Hành trình Erasmus của SV UEL tại Châu Âu - Erasmus Journey (Kỳ 1)

Krakow, Ngày 10 tháng 3 năm 2018
Đã tròn 1 tháng kể từ ngày hai chúng tôi đáp chuyến bay từ mảnh đất mang tên Bác rời xa quê hương, tạm gác lại cái Tết đầm ấm bên gia đình, để bắt đầu cuộc hành trình mà tôi xin phép gọi là “kỳ diệu” mang tên Erasmus tới Châu Âu xa xôi…
Để kể về cuộc hành trình này và những cảm xúc trong 1 tháng vừa qua thì có lẽ chẳng thể nào kể hết những cảm xúc và trải nghiệm đầy thú vị nhưng cũng đầy khó khăn, thử thách trong suốt quá trình chúng tôi chuẩn bị, làm thủ tục và đến học tập nơi xứ người.
Chúng tôi, gồm hai sinh viên Việt Nam được vinh dự tham gia chương trình trao đổi Erasmus tại Trường Đại học Kinh tế Krakow, Ba Lan (Krakow University of Economics). Tôi là sinh viên năm tư đến từ lớp K14401T, Khoa Kinh tế và Uyển Dung là sinh viên năm tư đến từ Khoa Kinh tế Đối ngoại, Trường Đại học Kinh tế- Luật, ĐHQG-HCM.
Vào thời điểm mà tất cả các bạn sinh viên năm tư khác đang tìm chỗ thực tập, chuẩn bị viết báo cáo thực tập, hoàn thành các môn học chuyên đề hay thậm chí có bạn đã hoàn thành tốt nghiệp trước thời hạn thì chúng tôi, hai cô gái với ước mơ được kéo va ly vi vu khắp châu Âu đã tìm thấy cơ hội của mình qua thông báo của phòng Quan hệ đối ngoại của Trường rằng Trường sẽ cử hai đại diện đi học trao đổi 1 học kỳ tại Ba Lan, một suất cho HK mùa xuân và một suất cho HK mùa đông của năm học 2017-2018. Cơ hội đến, tôi đã đăng ký, nộp hồ sơ và tham gia vào quy trình tuyển chọn.
Khi mọi người đang nghỉ Tết năm ngoái thì tôi hì hục cày IELTS để “nhắm” vào các cơ hội đi trao đổi của Trường, khi các bạn đồng trang lứa đang nghỉ hè thì tôi tranh thủ đi thực tập tại các công ty đa quốc gia để chuẩn bị làm báo cáo thực tập. Khi mọi người đang vất vả với việc đi thực tập và học của năm tư thì tôi lại xin làm báo cáo thực tập sớm và đi viết luận xin học bổng Erasmus. Sau nhiều lần trăn trở và theo dõi các cơ hội trao đổi quốc tế từ thông báo của trường mình, tôi cuối cùng cũng tìm ra được mục tiêu cho mình, đó chính là cơ hội đi Ba Lan với nhiều hỗ trợ tài chính từ Erasmus và Trường hợp tác.
Theo tôi, để ứng tuyển cho những học bổng này thì điều quan trọng nhất là sự chuẩn bị về mặt học thuật: Một bảng điểm khá tốt với điểm trung bình trên 8.0 sẽ là một điểm cộng cho bạn. Một bảng thành tích về học thuật với các bài nghiên cứu khoa học cùng các hoạt động ngoại khóa và tình nguyện sẽ càng khiến các nhà tuyển chọn ấn tượng và dĩ nhiên kỹ năng và ngoại ngữ là điều không thể thiếu nếu bạn muốn trở thành một sinh viên, một công dân toàn cầu. Và một điều quan trọng mà tôi nhận ra là sau bao năm nhút nhát sợ sệt bỏ qua nhiều cơ hội để được đi nước ngoài, từ khi có chứng chỉ IELTS trong tay, tôi mạnh dạn ứng tuyển các chương trình hơn, mạnh dạn dám “thử” và mạnh dạn nắm lấy cơ hội nhiều hơn. Vì vậy, các bạn sinh viên nếu có mong muốn được “lấy tiền của Tây và đi Tây” thì hãy cố gắng trau dồi tiếng Anh và lấy cho mình cái chứng chỉ tiếng Anh để làm vốn nha!
Sau một thời gian ứng tuyển và tham gia ứng tuyển, viết luận rồi phỏng vấn và chờ đợi… Rất may mắn là hai chúng tôi được tuyển chọn là đại diện Trường tham gia vào chương trình này. Vỡ òa trong sung sướng, nhưng lúc đó chúng tôi không hay biết hành trình đầy gian nan và thú vị chỉ mới bắt đầu…
 
Hình: Uyển Dung (trước) và Phương Anh (sau) quá cảnh tại sân bay Helsinki, Phần Lan
Vốn là hai cô sinh viên sống và lớn lên tại TP.HCM, là con gái lại sống chung với gia đình trong sự chăm sóc của gia đình, mọi thủ tục và giấy tờ xuất ngoại quan trọng thế này là lần đầu và đầy thách thức với chúng tôi. Cho đến lúc đó bắt đầu tìm hiểu làm visa để xuất ngoại chúng tôi mới biết rằng thủ tục khá phức tạp và đòi hỏi quy trình đặt lịch trước cả 2 tháng. Thế là Dung không xin kịp visa đi học kỳ mùa đông. Có thể xem đây cũng là may mắn, vì nhờ đó chúng tôi có thể đi chung với nhau trong học kỳ mùa xuân sau khi được sự đồng ý từ trường bên phía Ba Lan.
Cuộc chiến với quy trình thủ tục lại bắt đầu, việc đặt lịch hẹn của chúng tôi đã thất bại nhiều lần vì Lãnh sự quán chỉ cho đặt lịch trên website và chúng tôi thì không hiểu quy trình. Cho đến khi tôi lân la Facebook, tìm hiểu và làm quen các anh chị du học sinh Việt Nam tại Ba Lan, chúng tôi may mắn gặp được sự giúp đỡ nhiệt tình của các anh chị trong suốt hành trình đến Ba Lan, trong đó phải kể đến người anh mà đã gặp trực tiếp chỉ chúng tôi mọi thứ mà chúng tôi thân mật gọi là anh Pi. Anh nói rằng anh đã từng bị lừa tiền taxi khi mới sang Ba Lan, nên anh muốn giúp tất cả du học sinh sang đây bước đầu để không ai bị lừa như anh.

Hình: Chúng tôi được anh Pi đón tại sân bay quốc tế Warsaw.
Nhờ anh, chúng tôi biết thông tin rằng website của Lãnh sự quán chỉ mở cho đặt lịch hẹn vào 3h sáng hoặc 8h sáng. Nhưng muốn đặt lịch hẹn phải có đầy đủ thông tin cần thiết để xin visa như lý do xin thị thực, cam kết chỗ ở, bảo hiểm, tài chính, vé máy bay… Thế là lại bắt đầu quy trình đi tìm nhà ở, tìm các đại diện để tìm thuê nhà, tìm cách để chuyển tiền đặt cọc thuê nhà, ký hợp đồng thuê nhà qua email. Sau nhiều đêm thức khuya dậy sớm để làm việc qua mail với bên đại diện thì chúng tôi cũng kiếm được căn nhà như ý. Khoảng cách 6 giờ của hai đất nước khiến việc liên lạc không hề thuận tiện. Chúng tôi cũng không được ở ký túc xá của trường, việc thuê nhà để có một cái hợp đồng để có thể đi làm visa là cấp bách lúc đó. Cũng trải qua nhiều khó khăn từ việc khó khăn trong việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài rồi đến việc ông chủ thuê nhà bên đó mail sai tài khoản ngân hàng cho chúng tôi, những tháng ngày đi thuê nhà và làm việc qua mail thực sự là những ngày không thể nào quên với tôi. Nhờ vậy, tôi và Dung cũng nói chuyện và thân thiết hơn. Từ hai con người xa lạ, chúng tôi trở thành “flatmate”- bạn cùng nhà, thành người quen duy nhất của nhau tại Ba Lan.
Và sau mấy tháng trời ròng rã chuẩn bị, sau chuyến bay ra Hà Nội chớp nhoáng, cuộc phỏng vấn xin thị thực cũng xong. Ba tuần sau chờ đợi kéo dài như ba năm, chúng tôi có kết quả đậu visa, chính thức thành công bước đầu trong hành trình xuất ngoại – cầm hộ chiếu xanh đi quanh châu Âu! 

Ảnh: Quảng trường trung tâm thành phố Krakow
(Old Town – Main Square duy nhất là hàng “thật” ở Ba Lan còn tại sao nó không phải hàng “fake” thì mình sẽ giải thích ở bài sau nhé!)
Trong bài luận viết gửi trường bên kia, tôi có nói sẽ viết một loạt bài về hành trình này, để đưa góc nhìn của một  học sinh Erasmus châu Á tại Ba Lan đến gần các bạn sinh viên Việt Nam hơn. Vì thế, bài đầu tiên tôi xin dừng ở đây, bài tiếp theo sẽ kể về “Một tuần đầu tiên vật vã kéo va li đi du lịch và tìm đường” đúng nghĩa. Nếu các bạn có câu hỏi và những thắc mắc về chương trình này thì mình sẵn sàng giải đáp về cuộc sống và việc học tại Ba Lan ( FB: Amy Nguyen). Còn các suất hoc bổng trường mình còn cho chương trình này trong các năm sau thì mình không rõ lắm, các bạn có thể theo dõi mail hoặc thông tin từ UEL nhé. Mái trường UEL là nơi đã chắp cánh cho rất nhiều cơ hội vi vu trên máy bay của mình đó các bạn ơi! Mình yêu UEL, quyết định chọn UEL là một trong những quyết định đúng đắn nhất mà mình từng làm!
Nguyễn Thị Phương Anh - K14401T