“Dân tộc ta, nhân dân ta, non song đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non song đất nước ta”. Cách đây tròn 131 năm, tại làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã cất tiếng khóc chào đời. Người ấy sau này đã trở thành biểu tượng của một phong cách, đạo đức cách mạng sáng ngời; biểu tượng của một tư tưởng vĩ đại; một danh nhân văn hóa, anh hùng giải phóng dân tộc - Người chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kiệt xuất của phong trào cách mạng và giai cấp vô sản Việt Nam.
Trải qua 79 mùa xuân cuộc đời, nhìn Bác sống và làm việc, từ những ngày thơ ấu cho đến phút lâm chung, chúng ta sẽ thấy và sẽ học tập được sự hình thành của một nhân cách lớn, để từ đó rút ra bài học làm người, bài học để trở thành người. Bác đã sống giữa trời đất Việt Nam, trong những điều kiện tự nhiên và xã hội như ta, thậm chí còn khó khăn gấp nghìn lần ta, nhưng vượt qua 79 năm dài, Bác đã tự rèn đúc cho mình một phong cách đạo đức sáng ngời, một sự nghiệp anh hùng kiệt xuất và trên hết là một nhân cách rạng ngời cao quý. Vậy nhân cách ấy đã được hình thành như thế nào?
1/ Môi trường Thiên - địa - nhân:
- Quê hương – nơi hội tụ hồn thiên sông núi: Mảnh đất quê hương Bác từ ngàn xưa đã là vùng địa linh sinh nhân kiệt, là quê hương của biết bao anh hùng hào kiệt nổi danh. Chính vùng đất này với những rừng núi, ruộng nương ít, đất đai phần lớn khô cằn sỏi đá, hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt và vì vậy nơi đây cũng chính là lò lửa đã luyên bao con người thành thép, là môi trường thử thách rèn đúc được đức tính kiên trì bền bỉ, không ngừng phấn đấu. Bên cạnh dó, nơi quê hương Bác còn có truyền thống cần cù, hiếu học, nơi di sản văn hóa nho gia, có nền văn hóa dân gian phong phú, những câu hò khoan, những câu ví dặm, những làng Sen, làng Chùa với những con người chịu thương chịu khó, cần cù lao động. Con người trong hoàn cảnh ấy, sống yêu thương nhau, sống có tình có nghĩa, sống với nhau bằng đạo đức, lấy sự học làm gốc, sống để làm người và sống để trở thành người.
- Gia đình - cái noi của ý chí: truyền thống gia đình, tư tưởng tiến bộ và nhân cách cứng cỏi của cha, đồng thời với những biến đổi lớn lao của xả hội Việt Nam trong những năm đầu của thế kỷ XX, đã làm nên tư tưởng yêu nước, lòng căm thù giặc; hình thành nên ở Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành những nét tính cách cứng cỏi của một người thanh niên có hoài bão lớn, có ý chí kiên định, có tình cảm chân thành, có quyết tâm đi tìm cái mới để cứu dân cứu nước.
2/ Những năm tháng bôn ba, rèn luyện tìm đường cứu nước:
- Tuổi 20 đi tìm con đường mới: Nguyễn Tất Thành không muốn quẩn quanh ở trong nước như chim trong lồng mà muốn ra nước ngoài xem chính nước Pháp và các nước khác ra sao, tìm hiểu rõ kẻ thù để tìm cách cứu nước. Đây là một nét ý nghĩa rất độc đáo và khác với những nhà yêu nước khác, Nguyễn Tất Thành đã chọn cho mình một con đường riêng đầy thử thách, đó là con đường bôn ba tự kiếm sống để đi tìm đường cứu nước, cứu nhà.
- Học và hiểu trên đường vạn dặm: Những năm tháng đi tìm đường cứu nước của chàng thanh niên 20 tuổi sẽ là con đường trờ thành một nhân cách được tôi luyện trong lửa đỏ và nước lạnh. Đây là con đường nghìn vạn chông gai, đồng thời cũng là con đường tự học, tự rèn luyện mình để trở thành người yêu nước chân chính, hình thành một nhân cách cao quý với mục đích cứu nước giải phóng dân tộc, giải phóng con người, đi tìm một nền văn minh mới cho dân tộc.
- Trở thành Nguyễn Ái Quốc: những năm bôn ba ở Mỹ, Anh và Pháp với đầu óc độc lập, tự chủ của mình, chàng thanh niên Nguyễn Văn Ba đã trở thành Nguyễn Ái Quốc, người yêu nước có tinh thần mới, có đường lối mới với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực.
- Đến với Luận cương Lê nin: tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được tác phẩm Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê nin. Tác phẩm của Lê nin đã gặp gỡ và hòa đồng được ngay lập tức với những nguyện vọng sâu xa của Nguyễn Ái Quốc, giúp Người tìm ra con đường giải phóng dân tộc.
Trải qua những năm tháng tuổi thơ và những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước đã giúp Nguyễn Ái Quốc – Hồi Chí Minh có được những nét tích cách riêng, hình thành nên một nhân cách lớn rất đặc biệt, cả về mặt chính trị lẫn văn hóa. Và với nhân cách ấy, Người đã từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác – Lê nin, tìm thấy ở chủ nghĩa ấy sức mạnh để đi đến mục tiêu cao quý của mình là giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân, giải phóng xã hội khỏi nghèo nàn lạc hậu và giải phóng con người khỏi mọi hình thức bóc lột, tha hóa.
3/ Nhân cách lớn Hồ Chí Minh
Nhiều năm gian khổ ở nước ngoài, đồng thời cũng là những năm tháng vượt qua thử thách, tự rèn luyện tư tưởng, mài sắc ý chí, thể nghiệm tình cảm, xác lập quan điểm để đến năm vào tuổi 30 định hình cho mình một nhân cách vững vàng, hoàn chỉnh của một người yêu nước mới, mang tên Nguyễn Ái Quốc với phong cách tư duy riêng, phong cách làm việc riêng, phong cách diễn đạt riêng, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt riêng. Nhìn từng mặt phong cách ấy, đó là những bài học sâu sắc cho các thế hệ thanh thiếu niên học tập, học để sống và học để làm người.
- Phong cách tư duy Hồ Chí Minh: phong cách tư duy của Hồ Chí Minh bao gồm tư duy nhân đạo, tư duy biện chứng, tư duy độc lập tự chủ và sáng tạo, tư duy chủ nghĩ Mác – Lê nin và tư duy cách mạng.
- Phong cách làm việc Hồ Chí Minh:phong cách làm việc của Hồ Chí Minh bao gồm thận trọng, thiết thực, chủ động; luôn nắm vững đường lối quần chúng; tác phong tập thể, dân chủ và tác phong khoa học: làm việc phải đi sâu đi sát, điều tra nghiên cứu thận trọng; làm việc phải có mục đích rõ ràng, tập trung định hướng; luôn căn cứ tình hình trong và ngoài nước để phát huy tinh thần độc lập tự chủ, chủ động; phải loại bỏ được bệnh quan liêu, hẹp hòi, cá nhân;
- Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh: Bác có một phong cách ứng xử rất có văn hóa, ở chữ văn hóa bao hàm rộng rãi tất cả những giá trị tinh thần quý báu của một nhân cách lớn, những giá trị nhân văn. Đặc biệt nổi bật ở Người là một tác phong rất tự nhiên, bình dị, rất cởi mở chân tình, vừa chủ động vừa linh hoạt lại vừa ân cần tế nhị, tạo ra một không khí chan hòa, ấm áp khi giao tiếp, gặp gỡ.
- Phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh: các đặc trưng dễ thấy trong phong cách nói và viết của Hồ Chí Minh gồm tính chân thật; tính ngắn gọn, khúc chiết và tính trong sáng, dễ hiểu, dễ cảm;
- Phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh: đó là sự giản dị thanh cao; đó là cách sống chừng mực, điều độ, ngăn nắp, yêu lao động, quý thời gian, không ham muốn danh lợi; đó là tình yêu thương con người hòa cùng tình yêu thiên nhiên, vạn vật trong cuộc sống; đó là một đời sống tinh thần phong phú kết hợp với một sự rèn luyện cơ thể hài hòa; đó là sự kết hợp hòa nhịp giữa đời sống cá nhân với đời sống xã hội để lúc sống với người cũng như lúc sống với mình, bao giờ cũng có một tinh thần lạc quan trong sáng.
Từ 131 năm trước đây dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, và chính Người trong cuộc sống hiện thực và đấu tranh đã biểu hiện ra như một con người tuyệt vời mẫu mực về tất cả mọi mặt phong cách sống, từ phong cách tư duy đến phong cách làm việc, từ phong cách ứng xử, phong cách diễn đạt đến phong cách sinh hoạt thường ngày. Toàn bộ hệ thống phong cách ấy đã tạo nên ở Người một nhân cách đặc biệt, một nhân cách lớn và cao quý. Nhân cách ấy, với ý nghĩa là sự tổng hòa của những nét tính cách riêng đã được Bác tự rèn luyện, nung đúc nên trong suốt cuộc đời 79 năm gian khổ và sôi nổi. Từ đó trở thành những bài học vô cùng sâu sắc, sinh động và phong phú cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo, học để sống và học để làm người.
Phạm Thanh Hùng – Phòng Công tác sinh viên