Xây dựng và phát huy giá trị gia đình trong điều kiện mới

Trong vài thập niên qua, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam và thế giới có biến đổi nhanh khiến gia đình Việt Nam đứng trước những thay đổi chưa từng có. Gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang có nhiều thời cơ nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn. Một trong những thách thức đó là gia đình đang dần đánh mất đi giá trị của mình và là nguy cơ tiềm ẩn đối với sự ổn định xã hội và phát triển của đất nước.

SỰ XUNG ĐỘT GIÁ TRỊ GIỮA CŨ - MỚI, TRUYỀN THỐNG – HIỆN ĐẠI

Gia đình là môi trường đầu tiên trong giáo dục, định hình nhân cách của con người. Một gia đình chuẩn mực sẽ ảnh hưởng đến chuẩn mực của con người sống trong gia đình đó. Suy rộng ra, nhiều gia đình chuẩn mực sẽ hình thành một xã hội chuẩn mực. Nghiên cứu “Những giá trị cơ  bản của gia đình Việt Nam hiện nay” do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) thực hiện năm 2019 cho thấy, người dân Việt Nam thuộc mọi tầng lớp xã hội coi gia đìnhlà ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, sau đó mới đến sức khỏe, việc làm, thu nhập, bạn bè, học vấn, thời gian giải trí, địa vị, tín ngưỡng tôn giáo và chính trị. Phần lớn người được hỏi cũng khẳng định tầm quan trọng của hôn nhân. Theo họ, thanh niên đến tuổi trưởng thành thì cần lập gia đình, bất chấp những cảnh báo về sự lung lay của định chế hôn nhân trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong số các giá trị đảm bảo sự bền vững của gia đình, sự chung thủy vẫn được người dân coi trọng nhất, tiếp đó là tình yêu thương, bình đẳng, có con, chia sẻ việc nhà, hòa hợp tình dục, có thu nhập và sống riêng. Con cái tiếp tục là một giá trị quan trọng trong hôn nhân song người Việt hiện không mong muốn có nhiều con. Việc ưa thích sinh con trai cũng giảm dần so với trước đây. Nói cách khác, giá trị con cái chuyển dần từ giá trị xã hội (ưa thích người nối dõi), an sinh (có người chăm sóc khi về già), kinh tế (có nhân lực lao động) sang giá trị tâm lý - tình cảm (gắn kết hôn nhân, hoàn thiện bản thân).

Nghiên cứu nêu trên còn cho thấy đạo hiếu là giá trị bền vững nhưng đang có sự biến đổi về cách thức biểu hiện. Mức độ gắn kết tập thể, cộng đồng của gia đình cũng suy giảm cùng với mức độ hiện đại hóa. Các gia đình sống trong vùng nông thôn, vùng còn duy trì tính cộng đồng cao có mức độ vì tập thể, vì cộng đồng mạnh mẽ hơn các vùng đô thị. Bên cạnh đó, trong khi người cao tuổi đề cao việc ứng xử có lễ nghĩa, có trước có sau trong mọi hoàn cảnh thì nhiều thanh niên lại gắn khía cạnh kinh tế với khía cạnh tình cảm, hạnh phúc gia đình. Họ cho rằng không thể có hạnh phúc nếu khó khăn về kinh tế.

Những kết quả của nghiên cứu này gợi ý sự phân hóa giá trị trong gia đình Việt Nam hiện nay. Các gia đình sống ở khu vực có mức độ đô thị hóa, hiện đại hóa thấp có xu hướng bảo lưu các giá trị truyền thống/cũ trong khi việc chấp nhận, ủng hộ, theo đuổi các giá trị gia đình hiện đại diễn ra ở nhóm thu nhập cao, sống ở các đô thị. Nói cách khác, xã hội Việt Nam đang chứng kiến sự dịch chuyển từ các giá trị gia đình truyền thông sang giá trị gia đình hiện đại.

Trong bối cảnh chuyển đổi của Việt Nam hiện nay, sự xung đột giá trị giữa cũ - mới, truyền thống - hiện đại là một quá trình tất yếu. Tuy vậy, nếu không có đường hướng phù hợp để điều chỉnh, quản lý sự xung đột này sẽ dẫn đến những hệ lụy hết sức khó lường. Việc chia sẻ và theo đuổi hệ giá trị quyết định đến quá trình thực hiện các chức năng cơ bản của gia đình. Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy một bộ phận gia đình Việt Nam đang gặp khó khăn với việc duy trì, thực hiện chức năng từ sinh đẻ, giáo dục, kinh tế cho đến tâm lý - tình cảm. Thậm chí, ở nhiều nơi, giá trị gia đình còn bị đảo lộn, dẫn đến sự khủng hoảng của chức năng gia đình.

PHÁT TRIỂN HỆ GIÁ TRỊ GIA ĐÌNH VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ MỚI

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 nhấn mạnh, để phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế thì cần phải thực hiện đồng bộ giữa “giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”. Như vậy, giá trị của gia đình hiện nay còn được nhìn nhận qua việc thực hiện chức năng của gia đình, bên cạnh giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình được đánh giá có vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định “xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Đại hội XII đã đặt vấn đề gia đình lên tầm cao mới, coi gia đình không chỉ như là cái nôi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa mà còn tham gia vào quá trình xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.

Để cụ thể hóa định hướng chiến lược nêu trên, Nhà nước cần cụ thể hóa thành chính sách không chỉ coi gia đình là đối tượng thụ hưởng chính sách mà cần xác định gia đình là đơn vị tham gia vào thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Đầu tư cho gia đình không chỉ để đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội mà chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững.

Theo đó, cùng với quá trình phát triển kinh tế, phúc lợi, chất lượng sống của gia đình, cần hết sức chú ý đến việc định hướng giá trị cho các thành viên gia đình, đặc biệt là thế hệ trẻ. Mục tiêu làm giàu cho gia đình trong bối cảnh kinh tế thị trường là đúng đắn song không vì sự giàu có mà làm tổn hại đến các giá trị khác của gia đình.

Chú trọng nâng cao giá trị đạo đức, giáo dục lối sống đối với thế hệ trẻ, hướng đến xây dựng con người phát triển toàn diện ngay từ trong gia đình, phát huy trách nhiệm của từng thành viên đối với các vấn đề của gia đình cũng như cộng đồng xã hội.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến giá trị của các nhóm gia đình thuộc khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn để tiếp tục duy trì những giá trị truyền thống tốt đẹp đang được lưu giữ.

Ở khu vực đô thị, cần cởi mở đối với các giá trị gia đình hiện đại, mang xu hướng tiếp thu, hội nhập; đẩy mạnh tuyên truyền và các hoạt động bảo lưu, trao truyền các hệ giá trị truyền thống, chống lại chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, cô lập.

Để xây dựng và phát huy hệ giá trị gia đình trong điều kiện mới, bên cạnh việc xây dựng hệ giá trị gia đình thì Chính phủ cần kiện toàn và nâng cao năng lực của bộ máy công tác gia đình các cấp./.

Phạm Quốc Nhật - Nguyễn Hoài Sơn