Một trong những cống hiến của đồng chí Hà Huy Tập đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam là công tác xây dựng Đảng trong đó có xây dựng Đảng về tư tưởng trong những năm khôi phục hệ thống tổ chức đảng và phong trào cách mạng.
Đồng chí Hà Huy Tập (1906-1941) người chiến sỹ cộng sản tiền bối, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (8/1936-3/1938) là một tấm gương suốt đời phấn đấu và hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Đồng chí Hà Huy Tập (1906-1941)
Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyệnCẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Tiếp thu truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương, ngay từ khi 19 tuổi (năm 1925), Hà Huy Tập đã tham gia hoạt động cách mạng. Trải qua 16 năm (từ 1925-1941), đồng chí đã sống, hoạt động cách mạng ở nhiều môi trường cả trong và ngoài nước (trong nước: Vinh, Nha Trang, Sài Gòn…; Trung Quốc; Liên Xô). Cho tới khi hiên ngang ngã xuống trước mũi súng quân thù (28/8/1941), kết thúc cuộc đời ở tuổi 35, đồng chí Hà Huy Tập đã để lại nhiều vinh quang, có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Một trong những cống hiến của đồng chí Hà Huy Tập đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam là công tác xây dựng Đảng trong đó có xây dựng Đảng về tư tưởng trong những năm khôi phục hệ thống tổ chức đảng và phong trào cách mạng.
Sau một thời gian hoạt động cách mạng trong nước, tháng 12-1928, nhận sự phân công của tổ chức, Hà Huy Tập rời Sài Gòn sangQuảng Châu (Trung Quốc) và được giới thiệu sang Liên Xô, vào học trường Đại học phương Đông của Quốc tế Cộng sản (1929-1932). Trong thời gian học tập tại Đại học Phương Đông, Hà Huy Tập có điều kiện được tiếp cận và trang bị một cách hệ thống về chủ nghĩa Mác - Lênin, những kiến thức về lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, đồng thời còn được tiếp xúc trực tiếp với một số tác phẩm kinh điển của các lãnh tụ hàng đầu của giai cấp vô sản thế giới như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của C.Mác và Ph. Ăngghen, Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản của Ph. Ăngghen, những bài viết của V.I.Lênin bàn về chủ nghĩa Mác.
Hà Huy Tập đã không ngừng học tập, rèn luyện vàđược kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô (ngày 25/4/1931). Với trí tuệ và tư duy sắc sảo, Hà Huy Tập sớm nhận thấy vai trò quan trọng của việc tổng kết những kinh nghiệm thành công, cũng như chưa thành công của Đảng trong lịch sử để soi sáng các vấn đề hiện tại. Dù ở xa quê hương, nhưng tâm trí của Hà Huy Tập luôn hướng về quê hương và phong trào cách mạng nơi quê nhà. Đồng chí đã soạn thảo một số công trình về lịch sử Đảng ta những năm đầu thời kỳ dựng Đảng như: Lịch sử Tân Việt cách mạng Đảng (1929), Hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương (1931), Đảng Cộng sản Đông Dương đứng trước chủ nghĩa cải lương quốc gia (1932), Kỷ niệm 3 năm ngày Đảng Cộng sản Đông Dương thống nhất (1933), Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương (1933)… Đặc biệt trong khoảng thời gian đầu năm 1932, đồng chí Hà Huy Tập đã có bốn bài viết xoay quanh những vấn đề về Đảng Cộng sản Đông Dương và cuộc đấu tranh tư tưởng trong Đảng nhằm giữ vbững sự trong sạch của Đảng, góp phần khôi phục Đảng và phong trào cách mạng
Kế thừa quan điểm Hồ Chí Minh trong việc nhìn nhận, đánh giá những ưu điểm của chủ nghĩa Mác là: “phương pháp làm việc biện chứng”, Hà Huy Tập cho rằng “chủ nghĩa Lênin không phải là một giáo điều mà là một phương pháp hành động cách mạng”. Trên cơ sở nắm chắc lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng vào việc nhìn nhận, đánh giá thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hà Huy Tập đã có sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức. Đồng chí đã tích cực tuyên truyền, hoạt động để thế giới quan và phương pháp luận Mác - Lênin thấm nhuần trong đảng viên, thống nhất ý chí, hành động của Đảng.
Tượng đài đồng chí Hà Huy Tập ở thị trấn Cẩm Xuyên
Trong bài viết Gửi Ban biên tập Tạp chí Bônsơvích, đồng chí Hà Huy Tập đã khẳng định một cách đúng đắn nguồn gốc lịch sử Đảng Cộng sản Đông Dương là sự hợp nhất các tổ chức cộng sản để bác bỏ quan điểm cho rằng Đảng Cộng sản Đông Dương “ra đời từ những phần tử tiên tiến nhất của đảng quốc gia An Nam”, cho như vậy là “quá đề cao vai trò hoàn toàn không có của Việt Nam Quốc dân Đảng trong việc thành lập Đảng Cộng sản thống nhất”.
Đồng thời, đồng chí cũng bác bỏ luận điệu cho rằng “sự chậm trễ của phong trào công nhân so với phong trào nông dân, coi như phong trào nông dân là độc lập với phong trào công nhân, chỉ nhìn thấy mặt số lượng của phong trào nông dân nhưng không biết đến vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản”.
Mặt khác, Hà Huy Tập cũng phê phán cái nhìn bi quan, đen tối về giai đoạn thoái trào của cách mạng hiện tại. Đồng chí chỉ rõ thực tế Đảng đã chịu những tổn thất to lớn trước khủng bố trắng của kẻ thù, nhưng không vì thế mà rơi vào tư tưởng thất bại chủ nghĩa. Không nên đi vào “chủ nghĩa thủ tiêu”, cho rằng “phong trào cách mạng cần phát triển theo đường thẳng chứ không theo con đường ngoắt ngoéo mà phép biện chứng duy vật giải thích, vì thế khi nhìn thấy những thất bại, họ không ngớt kêu lên sự suy tàn của phong trào cách mạng”. Khi có luận điệu bôi nhọ cho rằng cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 là “bằng chứng về sự hấp hối của Đảng”, đồng chí Hà Huy Tập vẫn luôn giữ vững niềm tin sắt đá vào sức sống của Đảng, vào tính tích cực của phong trào cách mạng. Đồng chí chỉ rõ: “Đảng chúng tôi chịu những tổn thất nghiêm trọng do những chiến sĩ ưu tú nhất đã bị bắt và nhiều cơ quan bất hợp pháp bị cảnh sát phát hiện, song thật là sai lầm để từ đó mà suy luận rằng Đảng chúng tôi đã bị tiêu diệt. Phong trào cách mạng cũng còn rất xa mới bị dập tắt, như bọn thủ tiêu chủ nghĩa bi quan đã tưởng”.
Tiếp theo các nội dung trên, đồng chí Hà Huy Tập còn dành nhiều trang viết để phân tích sự khác biệt giữa chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa Lênin, những biểu hiện của khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa mà Đảng chúng ta đang phải đấu tranh chống lại. Đó là việc đề ra nhiệm vụ của chuyên chính vô sản cho giai đoạn hiện nay của cách mạng tư sản dân chủ ở Đông Dương; về những lầm lỗi trong xác định các động lực của cách mạng tư sản dân chủ và của cách mạng xã hội chủ nghĩa; về ý nghĩa của đấu tranh giai cấp…
Với hệ tư tưởng vững chắc, đồng chí Hà Huy Tập luôn nhất quán quan điểm đấu tranh bảo vệ Đảng, đội tiên phong của giai cấp vô sản với đường lối chính trị không lay chuyển, một kỷ luật sắt, sự thống nhất về nguyên tắc, về ý chí về hoạt động lãnh đạo cách mạng để lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng cho đến lúc xoá bỏ hoàn toàn tư hữu đã sinh ra các giai cấp và tình trạng người bóc lột người cho đến khi thiết lập chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn. Đồng chí cũng phê phán những quan điểm đốt cháy giai đoạn, phủ nhận vai trò của nông dân với tư cách là đồng minh của giai cấp vô sản, đi tới khẳng định quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về sự phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản và quá trình cách mạng không ngừng thể hiện qua sự biến đổi cuộc cách mạng tư sản dân chủ thành cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Xây dựng Đảng trong lĩnh vực tư tưởng của đồng chí Hà Huy Tập thể hiện rõ quan điểm tuân thủ và giữ vững nguyên tắc tính Đảng, tuân thủ đường lối chính trị của Đảng; kịp thời khắc phục những lệch lạc, sai lầm tả khuynh và hữu khuynh, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại, chống giáo điều, bảo thủ. Đồng chí đã nỗ lực không ngừng đấu tranh bảo vệ quan điểm về Đảng Cộng sản, đội tiên phong của giai cấp vô sản với một hệ tư tưởng vững chắc, bảo vệ đường lối chính trị và kỷ luật của Đảng, thống nhất về ý chí, nguyên tắc và hoạt động cách mạng.
Trên mặt trận đấu tranh vạch trần bộ mặt giả hiệu, đầu cơ cách mạng của bọn Tờrốtkít, đồng chí là một trong những cây bút sắc sảo. Khi kẻ thù khủng bố tàn bạo, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống, bọn Tờrốtxkít phụ họa với luận điệu của chủ nghĩa đế quốc “Đảng Cộng sản Đông Dương đã bị tiêu diệt!”. Năm 1933, đồng chí Hà Huy Tập đã viết bài Kỷ niệm ba năm thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó chỉ rõ: “Năm 1932 không phải là một năm thất bại của chủ nghĩa cộng sản, mà là một giai đoạn phát triển mới của cách mạng. Những cuộc mít tinh, biểu tình của nông dân Hà Tĩnh, Thủ Dầu Một, Gia Định, Cao Miên; những cuộc bãi công của người phu xe ở Huế, Sài Gòn, Gia Định, của công nhân nông nghiệp Kôngpôngchàm, … là những bằng chứng nói lên sự phát triển của phong trào cách mạng ở Đông Dương. Đấy cũng là những bằng chứng tốt nhất để vạch trần những giọt nước mắt cá sấu của bọn thủ tiêu và bọn tờrốtxkít ở Đông Dương”.
Sau những năm tháng học tập ở Liên Xô, Hà Huy Tập trở về Trung Quốc, cùng với Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Dựt thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương (năm 1934). Sự ra đời và hoạt động của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng đóng vai trò quan trọng mở đầu cho việc tái lập cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, tạo bước ngoặt cho thời kỳ khôi phục phong trào cách mạng ở trong nước sau cao trào cách mạng 1930 – 1931. Thắng lợi đó, có vai trò quan trọng của đồng chí Hà Huy Tập trên cương vị một yếu nhân trong Ban chỉ huy ở ngoài, đồng thời, đồng chí cũng chính là người đã trực tiếp phụ trách công tác tuyên huấn kiêm Tổng biên tập tạp chí Bônsơvích. Tại Hội nghị mở rộng của Ban Chỉ huy ở ngoài nước tháng 6/1934, Hà Huy Tập được phân công chuẩn bị các Văn kiện cho Đại hội lần thứ nhất của Đảng (dự định họp vào năm 1935).
Là một cán bộ từng được học tập và đào tạo bài bản tại trường Đại học Phương Đông, với tư duy lý luận sắc bén, lập trường tư tưởng vững vàng, đồng chí Hà Huy Tập đã cùng Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng có những đóng góp to lớn, tích cực, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ nhất của Đảng năm 1935.
Đồng chí Hà Huy Tập là người đã soạn thảo và đọc Báo cáo chính trị ở Đại hội lần thứ nhất của Đảng. Báo cáo nêu rõ tình hình thế giới, tình hình xứ Đông Dương, chính sách mới của bọn thực dân Pháp và bọn cai trị bản xứ, cao trào cách mạng mới, tình hình và nhiệm vụ của Đảng. Báo cáo chính trị đã phân tích sâu sắc tình hình thế giới, âm mưu của thực dân Pháp, cao trào của quần chúng cách mạng; nêu lên nhiệm vụ xây dựng Đảng thành một khối thống nhất, củng cố tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng và đưa quần chúng ra tranh đấu… Ngoài báo cáo chính trị, Hà Huy Tập còn chủ trì soạn thảo các Nghị quyết về Công nhân vận động, Nông dân vận động, Thanh niên vận động, Phụ nữ vận động, Cứu tế đỏ vận động; Nghị quyết về Bản chương trình hành động; Điều lệ Đảng Cộng sản Đông dương, Điều lệ Tổng công hội đỏ; Tuyên ngôn của Đại hội .v.v… .
Đại hội đã thông qua các nghị quyết, điều lệ, tuyên ngôn, thư… Nghị quyết có đoạn viết: “Đảng phải đảm bảo cho chủ nghĩa Mác – Lênin được trong sạch, cho hàng ngũ |Đảng được thống nhất về lý thuyết và thực hành nên:
a, Cần luôn luôn mở rộng cuộc chỉ trích bônsêvích trong các cấp bộ Đảng booj để nghiên cứu các ưu điểm mà học, tìm các khuyết điểm mà tránh, vận động tự chỉ trích bônxsêvích phải là mọi công tác thường trực. Mỗi Đảng bộ thượng cấp phải chỉ đạo các Đảng bộ hạ cấp trực thuộc vận động chỉ trích.
b, Cần tranh đấu trên cả hai mặt trận “tả” khuynh và hữu phái là nạn nguy hiểm nhất trong các cuộc cách mạng vận động và các xu hướng thỏa hiệp, đồng thời phải gỡ mặt lạ những lý thuyết phản động”.
Có thể thấy, những nội dung trong Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất của Đảng do đồng chí Hà Huy Tập soạn thảo đã thể hiện rõ những đóng góp và vai trò của đồng chí Hà Huy Tập trong công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái cả tả khuynh và hữu khuynh. Cũng tại Đại hội, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư, đồng chí Hà Huy Tập được cử là Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài.
Có thể thấy, sự cương quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong quan điểm của đồng chí Hà Huy Tập thời kỳ khôi phục tổ chức Đảng đã có đóng góp rất lớn trong việc khôi phục tổ chức Đảng và phong trào cách mạng giai đoạn 1932- 1935.
Sự kiên định lập trường tư tưởng, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin và Quốc tế cộng sản của đồng chí Hà Huy Tập tiếp tục được thể hiện rõ ở giai đoạn sau, đặc biệt thời kỳ đồng chí giữ cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (8/1936-3/1938) và ngay tận tới giây phút cuối đời. Trước toàn án quân thù, đồng chí đã nêu cao khí tiết của người cộng sản và tuyên bố: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi vẫn sẽ tiếp tục hoạt động”. Tinh thần đó của đồng chí Hà Huy Tập tiếp tục được nung nấu và truyền lại cho các thế hệ cách mạng.
Đồng chí Hà Huy Tập đã đi xa cách đây 80 năm, nhưng ý chí chiến đấu, tấm gương hết lòng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, tấm gương về sự kiên định lập trường tư tưởng cách mạng của đồng chí vẫn còn mãi.
Trong giai đoạn hiện nay, quán triệt tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng cộng sản Việt Nam luôn chú trọng không ngừng tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, thế hệ lớp cán bộ, đảng viên đi sau cần quán triệt tinh thần cách mạng của Hà Huy Tập để không ngừng giữ vững nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho sự phát triển của Đảng và đất nước là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong suốt 35 năm đổi mới, các văn kiện của Đảng đều nêu rõ: phải đấu tranh với khuynh hướng cơ hội và các biểu hiện cơ hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12-1986) ghi: Phải “chống chủ nghĩa cơ hội dưới mọi hình thức”, “có thái độ nghiêm khắc với kẻ xu thời, vụ lợi, xu nịnh”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (6-1991) ghi: “chống chủ nghĩa cơ hội và mọi biểu hiện bè phái trong Đảng”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đã khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng hướng vào làm sáng tỏ và sâu sắc bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định tính tất yếu của con đường XHCN; đồng thời kiên quyết đấu tranh chống những luận điệu sai trái, thù địch. Cương lĩnh khẳng định rõ sự kiên trì, quyết tâm của Đảng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời kỳ đổi mới.
Trên cơ sở Cương lĩnh và tình hình thực tiễn, Đảng tiếp tục ban hành nhiều Nghị quyết nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tiêu biểu như: Nghị quyết số 01-NQ/TW về “Công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay” (tháng 3-1992); Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay” (tháng 2-1995); đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII (năm 2016) về xây dựng Đảng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã thẳng thắn vạch rõ những âm mưu thâm độc của các lực lượng thù địch khi thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam, trong đó hoạt động văn hóa - tư tưởng được coi là “mũi đột phá” làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra khoảng trống để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào, rồi cuối cùng xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa”. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng đã chỉ rõ: “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước” khiến cho các thế lực thù địch có cơ hội chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng. Tiếp đó, ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị khoá XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết phân tích: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó cơ quan báo chí các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Tiếp theo tinh thần của các kỳ Đại hội trước, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vẫn nhất quán quan điểm coi trọng công tác giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng. Văn kiện nêu rõ: “Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị. Hết sức coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng. Kiên định vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam… thường xuyên ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.”
Có thể nói, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, quyết định sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Vấn đề được đồng chí Hà Huy Tập quan tâm lúc sinh thời vẫn có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc trong giai đoạn hiện nay./.
TS. Trần Thị Huyền - ThS. Mai Thị Xuân