Một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển là khát vọng lớn lao của toàn nhân loại, là mục tiêu cao cả mà mỗi quốc gia đều mong muốn hướng tới. Việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong những năm gần đây đã cho thấy Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm đối với nền hòa bình của thế giới.
Kể từ khi chính thức tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (GGHB LHQ) vào năm 2014 đến nay, Việt Nam đã triển khai lực lượng tham gia theo hai hình thức chính là cá nhân và đơn vị. Với hình thức cá nhân, đã có 55 sỹ quan của Việt Nam được cử đến các Phái bộ của Liên hợp quốc ở Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan với các vị trí: Quan sát viên quân sự, Sĩ quan liên lạc, Sĩ quan tham mưu, Sĩ quan hậu cần và các vị trí khác theo nhu cầu của Liên hợp quốc. Với hình thức đơn vị, Việt Nam tham gia trong lĩnh vực quân y với mức độ Bệnh viện dã chiến cấp 2 và sẽ tham gia trong lĩnh vực công binh với mức độ Đội Công binh. Đến nay, 3 bệnh viện dã chiến cấp 2 đã sang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan với sự tham gia của 189 cán bộ, nhân viên; trong khi đó việc triển khai Đội Công binh cũng đang được tiến hành. Và mặc dù tham gia chưa lâu vào hoạt động GGHB LHQ, Việt Nam đã có 3 sĩ quan làm việc tại trụ sở LHQ. Điều này cho thấy sự trưởng thành về trình độ chuyên môn của các sĩ quan Việt Nam và sự lớn mạnh của lực lượng GGHB Việt Nam ngày càng đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi cao của hoạt động GGHB LHQ.
Liên hợp quốc đánh giá cao tỷ lệ nữ quân nhân của Việt Nam tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp quốc
Có thể nói, những bước trưởng thành của lực lượng GGHB Việt Nam gắn liền với những kết quả nổi bật mà Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam (Cục GGHBVN) đạt được trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Sự ra đời của Trung tâm GGHB Việt Nam (nay là Cục GGHBVN) vào ngày 27/5/2014 là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước ngoặt cho sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Nói như Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến – Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: “Sự tham gia của lực lượng GGHB Việt Nam tại các phái bộ của LHQ góp phần hiện thực hóa các cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam với vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề quốc tế, duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Qua đó, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, của QĐND Việt Nam trên trường quốc tế; thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, đồng thời khẳng định đối ngoại quốc phòng là một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước; đóng góp tích cực vào thành công của Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021”.
Trong một cuộc gặp cấp cao ở Thái Lan với lãnh đạo Việt Nam, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã đánh giá cao trình độ và khả năng của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam triển khai tới các phái bộ, cũng như sự tham gia hiệu quả của Việt Nam vào hoạt động GGHB LHQ. Ông bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực hơn nữa vào nỗ lực chung này.
Bên cạnh đó, Liên hợp quốc cũng đánh giá cao Việt Nam trong việc đáp ứng tỷ lệ nữ quân nhân theo Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh. Trong 7 năm qua, Việt Nam đã cử 33 nữ quân nhân trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 (BVDC2), trong đó BVDC2.1 và BVDC2.2 mỗi Bệnh viện 10 đồng chí, chiếm tỷ lệ gần 16%, BVDC2.3 có 13 đồng chí, chiếm tỷ lệ 20% và 4 sĩ quan nữ tham gia hoạt động GGHB LHQ theo hình thức cá nhân, cao hơn tỷ lệ khuyến khích 15% do Liên hợp quốc đưa ra. Hiện nay Đội công binh biên chế 295 quân nhân dự kiến có khoảng 45 nữ quân nhân, đáp ứng đủ tỷ lệ 15% do Liên hợp quốc đề ra.
Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam, tuy là một nước mới tham gia nhưng Việt Nam đã để lại dấu ấn rất lớn trong lòng bạn bè quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc và các phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của cả hai BVDC2.1 và BVDC2.2 đều được Chỉ huy Phái bộ và Liên hợp quốc đánh giá cao. Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình Jean-Pierre Lacroix đã gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp y tế này.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng (giữa) và các sỹ quan tại lễ xuất quân Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan
Cũng theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, ở các Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ, điều kiện an ninh luôn bất ổn, cuộc sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn… tuy nhiên, đây lại là điều kiện thuận lợi cho những chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam có cơ hội được trải nghiệm, thử thách để ngày càng trưởng thành hơn. Phát huy phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ, bằng sự tích cực, chủ động, các chiến sĩ mũ nồi xanh của Việt Nam đã không những hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trên các mặt công tác được chỉ huy Phái bộ và đồng nghiệp các nước đánh giá cao mà còn dành nhiều thời gian giúp đỡ người dân địa phương tại hai Phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Hằng ngày sau khi hoàn thành nhiệm vụ của Phái bộ, sĩ quan các nước đều trở về làm các công việc cá nhân, nhưng riêng sĩ quan Việt Nam lại tiếp tục thực hiện những công việc giúp đỡ cho người dân bản địa, như bổ củi, xách nước, làm vườn, dạy học… Ngoài ra, các Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam còn thường xuyên tổ chức các chương trình thiện nguyện để giúp đỡ người dân và đặc biệt là trẻ em tại Nam Sudan. Qua đó, giới thiệu tới bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam, nhất là về lịch sử truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam, của QĐND Việt Nam, làm lan tỏa phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ.
Có thể khẳng định, việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta cả trong đối ngoại và hợp tác quốc tế, phù hợp với khát vọng và truyền thống ngàn đời của dân tộc ta, chứ không phải Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là theo đuôi hay bị chi phối bởi bất kỳ một quốc gia nào. Bởi Việt Nam có toàn quyền quyết định việc có hay không tham gia lĩnh vực nào mà Việt Nam cho rằng phù hợp hay không với quan điểm, đường lối đối ngoại của Việt Nam, với truyền thống dân tộc Việt Nam, với mong muốn và khát vọng của nhân loại và phù hợp với năng lực của Việt Nam. Chúng ta thẳng thắn khước từ những hành động phi chính nghĩa, đi ngược lại lợi ích của loài người.
Kiều Giang