Cách đây 110 năm, từ Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành lên tàu ra đi để đi tìm chân lý cho tổ quốc, cho nhân dân. Từ chân lý ấy, thành phố nơi Người ra đi, từ lòng tự hào và quyết tâm, đã xứng đáng là nơi đi trước, đón đầu cho sự phát triển của đất nước.
Từ Thành phố này Người đã ra đi
Với mong muốn và quyết tâm tìm đường cứu nước, tháng 8/1910, sau khi học thêm tiếng Pháp tại Quy Nhơn do thầy giáo Phạm Ngọc Thọ dạy tại Trường tiểu học Pháp - bản xứ Quy Nhơn theo chương trình lớp cao đẳng, rồi và dạy học ở trường Dục Thanh thuộc tỉnh Phan Thiết. Cuối năm 1910, Người thanh niên trẻ với đầy ý chí vào hoài bão vào Sài Gòn tiếp tục cuộc hành trình tìm đường cứu nước.
Bến Nhà Rồng những năm đầu thế kỷ XX
Những năm đó, Sài Gòn là thành phố Viễn Đông tráng lệ của thực dân Pháp nhưng đầy rẫy bất công và nghèo đói. Bác đã dành nhiều thời gian quan sát Sài Gòn và luôn đặt dấu hỏi, trong bối cảnh như vậy sao dân mình vẫn khổ sở và bị khinh rẻ. Phải làm gì để cứu dân, cứu nước? Trong một lần đến thăm cha, Bác được cụ Phó bảng dạy: “Tìm thăm cha là tốt, nhưng cái cần hơn vẫn là tìm đường cứu dân tộc”...
Suy nghĩ đúc kết những bước đi của các vị tiền bối, Bác cho rằng phải ra nước ngoài mới hiểu rõ bản chất của các nước đang thống trị mình, mới có thể tìm ra con đường cứu nước đúng đắn. Để có thể có kế sinh nhai và có cơ hội ra nước ngoài, theo người chỉ có thể làm việc trên những con tàu buôn, mà để làm việc ở đó, thì phải có nghề phù hợp. Đầu tháng 3/1911, Bác xin vào học ở trường đào tạo công nhân hàng hải và công nhân chuyên nghiệp cho xưởng Ba Son.
Ngày 2/6/1911, Nguyễn Tất Thành xin làm việc ở tàu Đô đốc Latouche-Tréville đang chuẩn bị rời Cảng Sài Gòn đi Marseille, Pháp và được nhận vào làm phụ bếp, nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới là Văn Ba. Ngày 5/6/1911, từ Bến Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành trong chính thức lên đường sang Pháp với mong muốn tột cùng "tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi".
30 năm sau kể từ khi rời Sài Gòn, Người đã đi qua gần đủ năm châu, bốn biển và tìm ra con đường giải phóng dân tộc, để mùa xuân năm 1941, Người trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua đêm đen, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vượt qua bao bão tố để giành được độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Tự hào là nơi Người ra đi tìm đường cứu nước, Sài Gòn gan vàng dạ sắt đã anh dũng trong đấu tranh chống kẻ thù và xây dựng đất nước. Chiến tranh đã qua đi, 46 năm sau, Sài Gòn vẫn đang nỗ lực xứng đáng với tên gọi mới – Thành phố Hồ Chí Minh.
Xứng danh thành phố mang tên Bác
Thành phố (TP) Hồ Chí Minh hôm nay, tiếp nối truyền thống cách mạng với tinh thần đấu tranh kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, với ý chí và nghị lực phi thường đã luôn phấn đấu không ngừng để xây dựng và phát triển TP ngày càng văn minh hiện đại, nghĩa tình, đồng lòng, chung sức “cùng cả nước, vì cả nước”.
Bất chấp dịch bệnh COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế dương
Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc rằng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta giành thắng lợi. Thành phố rất chú trọng để triển khai thực hiện có hiệu quả việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiều nội dung, hình thức, giải pháp thiết thực, lấy đó là tiền đề cho sự phát triển bền vững.
Đặc biệt, TP chú trọng thực hiện chỉ thị gắn với các chỉ đạo của Trung ương, chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và kế hoạch hoạt động hàng năm; quan tâm lãnh đạo giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm, Nhân dân quan tâm; định kỳ giao ban, đánh giá, rút kinh nghiệm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đề cao việc phát hiện, biếu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình học tập và làm theo Bác.
Để lan truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Thành ủy đã xây dựng và tổ chức vận hành hoạt động Thư viện sách điện tử về Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc đăng tải, chia sẻ các ấn phẩm về Bác; biên soạn và phát hành tập sách “Những tấm gương bình dị tỏa sáng giữa đời thường”; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc đến với cộng đồng doanh nghiệp, các tố chức và cá nhân người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn thành phố, các địa phương trên thế giới kết nghĩa với Thành phố Hồ Chí Minh.
Để tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đi vào chiều sâu, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhằm phát huy đặc trưng, văn hóa, tính cách của con người thành phố luôn năng động, sáng tạo, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình.
Xác định nội dung đột phá nhằm tạo chuyển biến rõ rệt trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thành phố đã thực hiện 7 chương trình đột phá; tiến hành xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Đô thị thông minh, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, nâng chất hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, hướng đến phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn; quyết liệt chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố, thu hẹp dần khoảng cách thu nhập giữa người dân thành thị và nông thôn, hoàn thành mục tiêu “không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố” từ năm 2019.
Năm 2020, mặc dù dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, nhưng thành phố vẫn đạt mức tăng trưởng 1,39% so với cùng kỳ năm 2019, hoàn thành và vượt 16/20 chỉ tiêu HĐND TP đề ra, tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế, đóng góp trên 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách cả nước.
Vinh dự mang tên Người, TP Hồ Chí Minh đã luôn nỗ lực, phấn đấu để xây dựng, phát triển thành phố xứng tầm là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình...
Trải qua 46 mùa Xuân sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh hôm nay trở thành một đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương lớn nhất của cả nước, không chỉ là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, mà còn là trung tâm văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, giao dịch quốc tế, du lịch - dịch vụ -thương mại; đầu mối giao thông và giao lưu lớn của cả nước, của quốc tế và khu vực, là đầu tàu kinh tế của cả nước, luôn thể hiện được trách nhiệm với đất nước và xứng đáng với tên gọi của mình - Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyễn Huyền