Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm tiếp tục ổn định

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 còn khó lường, phức tạp nhưng vượt lên trên khó khăn chung, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn ở gam màu sáng là chủ đạo với việc tiếp tục duy trì ổn định và đạt được một số kết quả tích cực đáng lạc quan.

 



Dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng kinh tế - xã hội vẫn duy trì ổn định, một số mặt tích cực 

 

Cụ thể, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2021 chiều 1/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giữ nguyên các mục tiêu tăng trưởng năm 2021. Trước đó, tại họp báo thường kỳ công bố tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu 2021 ngày 29/6, Tổng cục Thống kê nhận định, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực là do sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt và rất sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Người đứng đầu ngành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng đã kiến nghị giữ nguyên các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra từ đầu năm. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, dự báo khó khăn vẫn là xu hướng chủ đạo. “6 tháng đầu năm 2021, kinh tế thế giới chứng kiến sự phục hồi không đồng đều, các quốc gia phát triển phục hồi khá mạnh mẽ, ngược lại các quốc gia đang phát triển phục hồi chậm. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, làm ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa tăng cao, gây khó khăn cho kiềm chế lạm phát…” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Một số tín hiệu lạc quan tháng 6 và 6 tháng 2021



Infographic GDP 6 tháng đầu 2021 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) 


Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6/2021 và 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê chỉ rõ, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020. GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm 2020 do năng suất lúa đông xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,91% so với cùng kỳ năm 2020. Nhìn chung, sản xuất công nghiệp trong quý II/2021 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 11,45% so với cùng kỳ 2020.

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 67,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ 2020 và tăng 34,3% về vốn đăng ký. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 93,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2%. Đáng mừng là, trong tháng, cả nước có 4.867 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tính chung cả 6 tháng đầu, còn có 26,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2020.



Infographic sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu 2021 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) 


Điểm đáng mừng nữa là hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế từng bước được phục hồi, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân có xu hướng tăng khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các đợt giảm lãi suất trong năm 2020. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến thời điểm 21/6/2021 đạt 5,47% so với cuối năm 2020. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng tích cực, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2021 tăng 17% so với cùng kỳ 2020; thị trường chứng khoán tăng mạnh với tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế tăng 68%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,27 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ 2020. Trong đó có 804 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 9,55 tỷ USD, giảm 43,3% về số dự án nhưng tăng 13,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2020; có 460 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4,12 tỷ USD, tăng 10,6%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 9,24 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ 2020.

Đáng chú ý, dù dịch bệnh phức tạp gây khá nhiều khó khăn, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn được triển khai với 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 143,8 triệu USD, bằng 77,6% so với cùng kỳ; có 9 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 403,2 triệu USD, tăng 10,8 lần so với cùng kỳ. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 547 triệu USD, tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ 2020.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đã tác động đến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 6 giảm nhẹ so với tháng trước, tuy nhiên vẫn đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2021 ước tính đạt 54 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ 2020. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ 2020, trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%. Cán cân thương mại 6 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 1,47 tỷ USD.



Infographic sản xuất công nghiệp và đăng ký doanh nghiệp 6 tháng đầu 2021 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)  


Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương nên tình hình lao động, việc làm quý II/2021 chịu ảnh hưởng, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều tăng. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, lao động đang làm việc trong nền kinh tế vẫn tăng so với cùng kỳ 2020, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm và thu nhập của người làm công hưởng lương tăng.

Đặc biệt, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các địa phương vẫn tiếp tục phấn đấu thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội. Đồng thời, các địa phương triển khai nhiều hình thức tạo việc làm, trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, trợ cấp cho người dân trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh. Vì vậy, đời sống của nhân dân nhìn chung vẫn được giữ ổn định.

Có thể xem xét phương án 2 kịch bản để giữ nguyên các mục tiêu tăng trưởng

Xu hướng khó khăn là chủ đạo nhưng về cơ bản, tín hiệu tích cực, lạc quan vẫn là phổ biến. Thực tiễn cho thấy, kinh tế thế giới đang khởi sắc, tăng trưởng kinh tế thế giới đang ổn định trở lại, bổ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam. Do vậy, Bộ KHĐT kiến nghị giữ nguyên các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ở mức cao nhất từ 6-6,5%.

Bộ KHĐT cũng đề nghị 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế. Trong đó, kịch bản thứ nhất là, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 điểm phần trăm), quý IV tăng 6,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,2 điểm phần trăm).



Infographic đầu tư 6 tháng đầu 2021 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)  


Kịch bản thứ hai là, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,5% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,8 điểm phần trăm).

Để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị cần tập trung thực hiện 9 nội dung, bao gồm: Phòng, chống dịch bệnh; định hướng điều hành kinh tế vĩ mô; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế; tập trung cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành; giải ngân vốn đầu tư công; chủ động phòng chống, ứng phó với thiên tai, lũ lụt; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; xây dựng, lập, phê duyệt quy hoạch; Trình Chính phủ xem xét cho phép gửi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để bổ sung, cập nhật số liệu 6 tháng năm 2021 đối với Báo cáo số 182/BC-CP ngày 8/6/2021 của Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/6/2021 để gửi báo cáo Quốc hội.

Có thể thấy, dịch COVID-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4/2021 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. Kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch để kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế – xã hội năm 2021./.

Lê Nguyễn