Hành trình Asia WTO Moot Court 2017

Ngày 18-19/08/2017 vừa qua, Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) phối hợp với Trường Đại học Quốc gia Seoul (SNU) tổ chức cuộc thi “Tòa Giả định về Luật Thương mại Quốc tế - ASIA WTO Moot Court 2017”, những xung đột giữa việc bảo vệ môi trường và tuân thủ các nguyên tắc của thương mại quốc tế đã được đặt ra như một đề tài nghiên cứu và tìm hiểu cho các đội thi năm nay.

Đại diện Trường Đại học Kinh tế - Luật, nhóm UEL - Faculty of Economic Law bao gồm 06 sinh viên Khoa Luật kinh tế: Hoàng Thị Hoài Thương, Dương Anh Long, Vũ Thị Ngọc Huyền, Nguyễn Hoàng Ngọc Nga, Trần Khánh Toàn, và Đào Thị Hoài Phương, là đội đầu tiên đại diện cho trường tham dự cuộc thi này và cũng là 01 trong số 02 đại diện của Việt Nam tranh tài với 15 đội đến từ 09 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau tại Hàn Quốc. 


Với sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện – Phó Hiệu trưởng, PGS.TS Dương Anh Sơn – Trường Khoa Luật kinh tế, Th.S Lê Bích Thuỷ - Trưởng Phòng Quan hệ đối ngoại, các thầy cô của Khoa Luật kinh tế cùng các Phòng, Trung tâm trong Trường và sự dẫn dắt tận tình từ Th.S Đào Gia Phúc, nhóm đã vinh dự đoạt giải “Bài phản biện bảo vệ cho bị đơn xuất sắc”nhất trong tổng cơ cấu giải thưởng bao gồm 07 giải tập thể và 03 giải cá nhân của cuộc thi năm nay.


Cuộc thi bao gồm 04 vòng, ở từng vòng, mỗi một đội tham gia phải lần lượt đóng vai nguyên đơn, bị đơn trình bày lập luận của đội mình, phản biện đội đối thủ và trả lời câu hỏi Ban Hội thẩm. Các đội bạn tỏ ra rất sắc sảo trong cách lập luận và chuyên nghiệp trong kỹ năng thuyết trình cùng khả năng sử dụng tiếng Anh nhuần nhuyễn nên mặc dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt nội dung và tập thuyết trình rất nhiều nhóm vẫn tìm thấy sự chênh lệch về cách tư duy phản biện vấn đề, cách tư duy bằng ngôn ngữ quốc tế, sự chuyên nghiệp và duyên dáng trong cách thuyết trình của đội bạn so với đội. Thông qua cuộc thi, nhóm nhận thấy những yếu điểm lớn của nhóm nói riêng và nhiều sinh viên Việt Nam nói chung là khả năng sử dụng ngôn ngữ quốc tế. Từ lâu tiếng Anh đã trở thành một phương tiện không thể thiếu cho quá trình giao lưu và học hỏi về mọi lĩnh vực từ văn hóa, nghệ thuật đến học thuật và cho đến nay việc biết một ngôn ngữ là tiếng Anh ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ không còn là điều gì quá cao siêu mà được xem là điều hiển nhiên trong bối cảnh toàn cầu hóa. Thông qua cuộc thi, nhóm đã thấy được cách mà các sinh viên, nghiên cứu sinh của các nước châu Á khác sử dụng tiếng Anh như một công cụ hỗ trợ đắc lực cho họ trong việc thuyết phục Ban giám khảo, thuyết phục đối thủ của mình và dành chiến thắng chung cuộc. Khi so sánh với những gì các đội cùng chơi đã thể hiện, nhóm nhận thấy rằng việc sử dụng tiếng Anh học thuật của nhóm còn chưa lưu loát, chưa thể phản ứng nhanh nhạy với các câu hỏi đòi hỏi tư duy sắc bén trực tiếp bằng tiếng Anh, cũng như khả năng lắng nghe, ghi chú tìm ra điểm mấu chốt của vấn đề. Theo đó, việc trao dồi thêm tiếng Anh một cách chủ động và cơ hội được học tập, tiếp xúc với cách học tư duy, phản biện bằng tiếng Anh trực tiếp sẽ là một trong những cách rất hữu ích cho việc trao dồi thêm khả năng sử dụng tiếng Anh học thuật của nhóm và sinh viên nói chung. Tuy vậy, nhóm vẫn cảm thấy rất vui và vinh dự khi được đến với cuộc thi năm nay, và cùng chúc mừng cho hai đội thi đấu trực tiếp với nhóm đã rất xuất sắc đạt được đồng giải ba và một trong số ba giải cá nhân thuyết trình tốt nhất./.