Hành trình Erasmus của SV UEL tại Châu Âu - Erasmus Journey (Kỳ 2)

HỌC KỲ TRAO ĐỔI ERASMUS TẠI BA LAN – KHÔNG CHỈ DỪNG LẠI Ở VIỆC HỌC KIẾN THỨC
Tiếp nối những chuỗi ngày chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi ở Việt Nam và di chuyển từ Warsaw đến Krakow, Ba Lan là một cuộc sống thú vị - đáng nhớ tại thành phố châu Âu được mở ra. Dung luôn cảm thấy thấy học kỳ này vô cùng trọn vẹn khi mình có cơ hội được thưởng lãm ở Krakow chuyển mình từ mùa đông lạnh giá đến xuân tươi tắn cùng mùa hạ năng động.
Thời điểm Uyển Dung và Phương Anh đặt chân lên cố đô Krakow yên bình là giai đoạn cận cuối mùa đông – khi mà thời điểm bắt đầu trở lạnh nhất trong năm. Lúc ấy báo chí xung quanh cũng đưa tin rằng đây là mùa đông lạnh nhất châu Âu trong thời gian vừa qua và đặc biệt hơn, hai bạn trẻ lại đang ở Ba Lan – một đất nước gần cực Bắc, tụi mình từ một nơi khí hậu nóng quanh năm nay được “trải nghiệm” cái lạnh -10 đến -20 độ C một cách đột ngột. Cuối cùng đến tầm một tháng rưỡi sau là vào độ cuối tháng 3 thì châu Âu chuyển sang mùa xuân và cảnh quan thay đổi cực kỳ nhanh, từ những hàng cây trơ trọi bám đầy tuyết trổ lá xanh thắm con đường đến những bông hoa sắc màu mọc lên trong những bồn cây, mang đến cho mình thêm cảm giác yêu đời đầy sức sống. Và cũng chẳng mấy chốc, đến độ từ giữa tháng 5 trở đi thì thời tiết bắt đầu nắng nóng oi ả như một mùa hè thực thụ.
Cuộc sống của tụi mình ở cả 3 mùa đều khác nhau hoàn toàn từ nhịp sống hằng ngày, học tập và giao lưu bạn bè. Mùa đông là giai đoạn đầu mới sang của tụi mình và còn bỡ ngỡ nhiều thứ. Uyển Dung và Phương Anh vừa phải đối diện với cái lạnh chưa từng có của tụi mình, và cũng là chưa từng có của châu Âu, vừa phải sắp xếp và ổn định mọi thứ từ nhà ở, đi lại đến việc học và các sinh hoạt khác.
Mentors (người hướng dẫn được phân bổ theo chương trình Erasmus tại mỗi trường) đang hỗ trợ tụi mình kéo vali trong ngày mùa đông chuyển nhà.
Cuộc hành trình của hai du học sinh Erasmus tại Ba Lan không phải hoàn toàn suôn sẻ, về vấn đề nhà ở, khi điều tréo ngoe đầu tiên là trường Cracow University of Economics (tiếng Ba Lan: Uniwersytet Ekonomiczny w Krakowie – gọi tắt là UEK) yêu cầu bắt buộc có mặt vào ngày 09/02 nhưng hợp đồng nhà thuê bắt đầu vào ngày 15/02. Thế là trong thời gian đó, với sự giúp đỡ của một bạn cựu du học sinh và hiện đang sống tại Krakow – Trang Nguyễn, bạn nhiệt tình hướng dẫn hai đứa mình từ những gì cần chuẩn bị mang sang đến chuyển tiền thuê nhà hộ và bạn còn giúp hai đứa mình thuê một căn phòng hostel nhỏ trong thời gian chờ chuyển sang nhà thuê chính thức. Sở dĩ Trang giúp tụi mình chuyển tiền trong khu vực Ba Lan vì thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài cho đơn vị tư nhân vô cùng phức tạp và thậm chí Dung từng bị ngân hàng từ chối, đây cũng là vấn đề mà các bạn du học sinh cần lưu ý. Một số ngân hàng yêu cầu bạn cần có giấy tờ xuất cảnh, bao gồm visa, mới đồng ý bước đầu cho việc chuyển tiền; tuy nhiên, cấp visa lại yêu cầu có giấy tờ thuê nhà nên buộc lòng mình đành tìm cách khác để thuê nhà trước. Sau khi xong các vấn đề về xác định chỗ ở, Uyển Dung và Phương Anh bắt đầu kéo những vali to đi lạch cạch khắp con đường, để chuyển từ nhà ga trung tâm Krakow đến căn hostel ở tạm, rồi đến chuyển sang nhà mới. Sự gian nan trong chuyến đi này đã giảm bớt được phần nào nhờ vào sự hỗ trợ từ những người bạn hồn hậu xung quanh, anh Pi và bạn Trang – đồng hương trên xứ người đã giúp chúng tôi về đường đi và nhà ở, anh Pi còn giữ hộ mỗi bạn một vali 23kg vì chúng tôi không thể mang một lần 3 vali mỗi người; tiếp theo phải kể đến là cô bạn mentor của Uyển Dung và của Phương Anh vì đã giúp chúng tôi di chuyển đồ đạc và hỗ trợ các thủ tục thiết yếu như làm thẻ ngân hàng, làm thẻ phương tiện công cộng, v.v. khi người dân đa số chỉ nói được tiếng bản địa. Tranh thủ dịp đến Warsaw lấy vali còn lại, chúng mình cùng cộng đồng du học sinh người Việt đã có một đêm tối đón Giao thừa với người thân qua màn hình và đón cái Tết xa nhà đầu tiên của hai đứa. Ý nghĩa của những chuyến đi không chỉ nằm ở việc bạn đi nhiều để biết thêm về đất nước con người nơi xứ sở ấy, mà còn để thấm thêm tình người xa xứ và yêu đồng bào nhiều hơn, ý thức những giá trị mình nhận được để có thể giúp đỡ và cho đi nhiều hơn sau này; và cuối cùng là biết đươc tình cảm và sự quan tâm gia đình, thầy cô và bạn bè dành cho mình nhiều như thế nào. 
Du học sinh Việt Nam tại Warsaw cùng nhau tổ chức Tết Nguyên đán xa nhà. Uyển Dung (áo đỏ bên phải) và Phương Anh (áo đỏ thứ hai từ phải sang)
Đi lại trong thành phố khá dễ dàng. Ổn định xong nơi ở cùng việc sở hữu một thẻ phương tiện công cộng theo mùa (seasonal ticket) cùng ứng dụng về lộ trình xe ở Ba Lan là app Jakdojade, Dung tự tin hơn trong việc đi lại, từ những địa điểm quen thuộc như trường học, ga tàu và cũng là trung tâm thương mại, phố cổ trung tâm Old Town và quan trọng không kém là nơi đổi tiền Euro - Zloty. Nhờ vào một người bạn bản địa, Dung mới biết được việc không thể dùng Google map để tìm bus / tram vì lộ trình xe được thiết kế thay đổi theo mùa, sẽ có đơn vị nghiên cứu để tìm được tuyến đường nào có nhu cầu cao vào từng mùa để sắp xếp xe cho hiệu quả nhiên liệu và nhân lực. Các phương tiện công cộng chính ở Ba Lan là xe bus, tram (xe điện) và metro (chỉ có ở thủ đô Warsaw) và dùng chung một loại vé. Hành khách mua vé ở các máy bán tự động, sau đó lên xe đóng dấu validated cho vé trước mỗi chuyến đi, và vé được chia theo các dạng thời gian như vé 20 phút, vé 40 phút, vé 1 ngày, v.v.; điều này đồng nghĩa với việc nếu bạn đi 1 trạm hay đi 3 trạm thì cũng đều phải mua cùng một vé như nhau. Tuy người soát vé chỉ thi thoảng xuất hiện để kiểm tra nhưng theo Dung quan sát thì trừ những bạn sinh viên hoặc những người mua vé tháng hay vé mùa như mình thì không phải đóng dấu vé vì con chip được gắn sẵn trên thẻ, thì vẫn thấy được những người dù chỉ đi 1 – 2 trạm nhưng vẫn mua vé và đóng dấu nghiêm túc. Đây là một khía cạnh dễ bắt gặp nhất của những con người Ba Lan tự giác chấp hành luật lệ. Ngoài ra, so với thời điểm hiện tại thì vào mùa đông là thời gian mình hạn chế ra đường nhất, một phần vì thời tiết quá lạnh, đến độ việc đứng chờ xe bus dường như là một cực hình nếu bất chợt có cơn gió nào thổi qua trong tiết trời -15 độ hay phải tay trần cầm điện thoại để dò Google map giữa trời lạnh buốt. Thêm một lý do nữa là bầu không khí châu Âu ngày đông vô cùng buồn và thinh lặng. Như Dung có gợi các bạn hình dung về cảnh quan thời điểm này, một tông màu trắng – đen bao trùm khắp phố phường bởi cây trụi cành và tuyết phủ đầy khắp mặt đường lẫn mặt kính xe oto. Đi bộ còn là nét đặc trưng của các nước phương Tây bên cạnh các phương tiện công cộng, nhờ thế mà người đi bộ được ưu tiên khá nhiều. Ở Ba Lan, không chỉ ở Krakow không, kể cả trường hợp con đường đó không có vạch kẻ cho người đi bộ, bạn vẫn có thể ung dung băng qua đường và các xe cộ đi lại sẽ tự động dừng cho bạn đi xong mới chạy, nhờ vào thứ tự ưu tiên này mà tỷ lệ tai nạn giao thông ở Ba Lan cực kỳ thấp mặc dù xe luôn chạy tốc độ cao hơn nhiều so với ở Việt Nam.

Một góc công viên trung tâm buổi hoàng hôn
Nói đến sinh hoạt thường nhật là nói đến việc tương tác với dân bản địa. Tuy nhiên, Ba Lan có một hạn chế rõ rệt về mặt ngôn ngữ là đa số người dân, từ độ tuổi trung niên trở lên không thể nói được tiếng Anh, ngay đến cả nhân viên siêu thị tại ga trung tâm – nơi đông du khách qua lại, hay cả nhân viên ngân hàng – nơi văn phòng hành chính cũng không thể giao tiếp được bằng tiếng Anh. Vì thế, đối với ngân hàng thì cũng phải xoay sở một lúc để tìm ra người có thể nói tiếng Anh và trình bày nhu cầu muốn rút tiền Euro (vì tiền học bổng mình nhận được bằng Euro) hay gửi tiền zloty (đồng tiền riêng của Ba Lan) vào thẻ. Những lần về sau đơn giản hơn khi người nhân viên hiểu ý và mình cũng có thể viết những ký tự đơn giản để thực hiện giao dịch. Khi đi chợ hoặc mua các vật dụng hằng ngày, bên cạnh những nhạy bén về nhìn-hình-đoán-vật, Google translate trở thành người đồng hành thân thiết với việc dịch tự động trên tấm hình có sẵn. Ngoài ra, việc mua sắm bên đây cũng có cái hay là các dạng túi nilon sẽ được bán chứ không phát kèm miễn phí mỗi khi đi mùa hàng như Việt Nam, và điều này không chỉ ở Ba Lan mà đều có ở các quốc gia châu Âu khác từ các nước trung bình đến nước phát triển. Đây cũng là một nét hay trong lối sống bền vững của phương Tây mà mình rất mong Việt Nam cũng sẽ sớm thực hiện các chính sách như thế, để bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhất.
Học tập chính là vấn đề trọng tâm trong học kỳ Erasmus. Trường yêu cầu toàn bộ sinh viên Erasmus nên tham gia tuần Orientation Week để đảm bảo các bạn đều biết về các thông tin cơ bản về trường cũng như những địa điểm cơ bản nơi đây. Tuần lễ được tổ chức bởi các thầy cô từ phòng International Office Program nhằm cung cấp thông tin về các vấn đề thiết yếu xoay quanh việc học – giấy tờ, tài liệu quan trọng và phối hợp với nhóm các bạn Erasmus Student Network (ESN) chuyên tổ chức các hoạt động gắn kết cho sinh viên Erasmus. Nhờ vào tuần Orientation Week này mà tụi mình đã làm quen thêm được nhiều bạn bè mới và cùng nhau trải nghiệm được các ngỏ ngách của thành phố Krakow này.
City tour đến những địa điểm nổi bật của cố đô Krakow bởi nhóm sinh viên từ ESN UEK.
Nhắc đến việc học là không thể không nhắc đến đăng ký môn học. Hóa ra nỗi kinh hoàng chen chúc đăng ký môn học không chỉ có ở hệ thống trường học tín chỉ ở Việt Nam mà còn có ở những nước châu Âu như thế. Sau khi chọn lựa các môn học dựa trên tiêu chí yêu thích / nhu cầu, thời gian và lớp còn suất trống, Uyển Dung đã chọn hơn một nửa các môn học ở chương trình dành cho Thạc sĩ vì thứ nhất, sinh viên được quyền đăng ký môn học từ cả 2 chương trình: Undergraduate (dành cho hệ Đại học) và Graduate (dành cho hệ Thạc sĩ) và mình có chuyên ngành là Kinh doanh quốc tế nên các môn học tương đối trùng lặp nhiều về mặt kiến thức đã học nên mình chọn những môn chuyên biệt hơn, thứ hai là vì mình muốn được khám phá điểm khác biệt trong cách học đối với sinh viên hệ Thạc sĩ tại trường nước ngoài sẽ như thế nào và môi trường có gì khác biệt.
   Khuôn viên trường Cracow University of Economics vào mùa đông trong ngày đầu tiên nhập học.
Trường Cracow University of Economics có khuôn viên thoáng đãng và nhiều tòa nhà phục vụ cho các mục đích đa dạng của thầy cô và sinh viên, điển hình như một tòa nhà thư viện dành hẳn cho việc chứa sách và truy cập cơ sở dữ liệu, một tòa nhà dành cho việc luyện tập thể thao với hồ bơi và dĩ nhiên vẫn kèm theo các phòng học khác bên trong. Phòng học được thiết kế dành cho khoảng 30-40 sinh viên vì ở các môn học, sinh viên đều được chia thành ca học để đảm bảo chất lượng học tập hiệu quả nên số sinh viên không bao giờ quá đông, ngoài ra cũng có dạng phòng thiết kế như giảng đường với hàng ghế xếp thứ bậc từ thấp đến cao. Bật mí thêm với các bạn là trường Đại học Kinh tế - Luật chúng ta trang bị cơ sở vật chất đầy đủ như một trường đại học quốc tế nhé! Với các tiện nghi đa dạng dành cho việc dạy – học như máy chiếu, máy scan và cả dàn âm thanh cực kỳ hiện đại, thậm chí trường chúng ta còn dùng bảng bút lông để đảm bảo sức khỏe cho thầy cô. Những câu chuyện về việc học và bạn bè bên đây đa dạng và thú vị vô cùng, và mình có thể dành hẳn được cả 2 – 3 bài báo để chia sẻ cùng các bạn.
Uyển Dung nghĩ rằng giai đoạn đầu du học, khi quá nhiều yếu tố đột ngột thay đổi cùng một lúc, ảnh hưởng không nhỏ đến ấn tượng về một cuộc sống sắp tới của mỗi du học sinh và kèm theo nhiều sự biến chuyển về mặt tinh thần. Tùy vào các điểm đến và sự khác biệt về lối sống của nó so với Việt Nam mà mỗi bạn sẽ có những trải nghiệm và nhận ra những giá trị khác nhau cho mình. Như Uyển Dung và Phương Anh bước đến Ba Lan – một đất nước ở khu vực trung tâm Châu Âu – trong mùa đông lạnh lẽo, tụi mình đã có những kỉ niệm về giai đoạn đầu đáng nhớ về việc phải tự thích nghi và sắp xếp, ổn định mọi thứ, từ đó lại thấy được bản thân mình phát triển hơn từng ngày khi bước ra khỏi guồng sống quen thuộc ở Việt Nam và cũng học được nhiều hơn nhưng nét hay từ con người, văn hóa nơi đây nữa!
Ngay từ giai đoạn đầu lúc biết tin về học bổng này là Dung đã ao ước được tham gia đến độ khi được hỏi em sẽ giải quyết như thế nào khi em phải đi trong học kỳ 1, Dung đã dứt khoát bày tỏ rằng mình sẵn sàng bảo lưu một học kỳ và mong muốn nắm bắt được cơ hội quý báu này để mở mang thêm kiến thức cho bản thân mình. Và Dung thấy rằng với những quyết tâm và nỗ lực liên tục, bất kỳ bạn trẻ nào cũng sẽ đạt được những mục tiêu của mình. Như Uyển Dung và Phương Anh đã và đang có một học kỳ Erasmus tuyệt vời của thời đại học với đa dạng các cung bậc cảm xúc khi sống như người Ba Lan – When in Poland, do as the Polish do! (Mình xin phép chuyển tác từ bản gốc). Học kỳ này để lại ấn tượng trong Dung nhiều hơn bao giờ hết, bởi việc học không chỉ dừng lại ở những kiến thức chuyên ngành mình được học mà còn hiểu được cả về con người xứ sở cùng một lối sống bền vững của Ba Lan và thậm chí còn mở ra thêm một tầm nhìn rộng hơn từ các quốc gia châu Âu khác.
Kết lại bài viết, Uyển Dung muốn gửi lại các bạn một trong vô vàn khoảnh khắc tuyệt vời bên những người bạn Erasmus từ khắp nơi của tụi mình. 

Những người bạn Erasmus gặp gỡ được từ các hoạt động chung, sau này là những người bạn dí dỏm và thân thiết đến cuối học kỳ.
Huỳnh Ngô Uyển Dung – K14408