Bạn đã biết: năng suất và chất lượng là gì?

  1. Năng suất là gì?

Hiện nay, năng suất không còn là một khái niệm mới mẻ. Có lẽ từ khi xuất hiện việc sản xuất và trao đổi hàng hóa, người sản xuất hàng hóa đã rất mong muốn làm thế nào để cùng một thời gian có thể sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn – theo một nghĩa đơn giản thì đó chính là năng suất.

Ở cấp quốc gia, người ta coi năng suất là yếu tố then chốt để tăng trưởng kinh tế. Ở cấp doanh nghiệp, năng suất – chất lượng – hiệu quả luôn là khẩu hiệu trong các nhà máy sản xuất. Có thể nói, năng suất có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển kinh tế, là một trong những thước đo sự tăng trưởng.

Năng suất là chìa khóa để duy trì khả năng cạnh tranh, ở cả cấp độ tổ chức và quốc gia, đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Các công cụ, kỹ thuật, phương pháp và thực hành nâng cao năng suất khác nhau đã được phát triển và áp dụng qua nhiều năm trong quá trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ là rất cần thiết cho sự năng động của các nền kinh tế.

Khái niệm về năng suất đã phát triển qua nhiều năm để thể hiện đầy đủ hơn so với hiệu suất. Từ các vấn đề về chi phí và chất lượng, phạm vi của nó đã mở rộng sang các mối quan tâm xã hội – chẳng hạn như tạo việc làm, đảm bảo việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn tài nguyên, trách nhiệm xã hội – cho tới kinh doanh xuất sắc, quản trị và bảo vệ môi trường, được Tổ chức Năng suất Á Châu (APO) gọi là Năng suất xanh. Ngày nay, các khái niệm năng suất khác đã phát triển bao gồm năng suất xã hội và năng suất tri thức.

Năng suất được đề cập lần đầu tiên trong một bài báo của Quesnay vào năm 1776 và kể từ đó hầu hết các tác giả đã định nghĩa năng suất theo những cách khác nhau. Một điểm tương đồng chính là hầu hết các tác giả đều xem năng suất là “thước đo” đầu ra, đối với một đầu vào, hai đầu vào hoặc tổng đầu vào.

Năng suất là mối quan hệ giữa số lượng đầu ra (hàng hóa và dịch vụ được sản xuất) và số lượng đầu vào (nghĩa là các nguồn lực như lao động, vật liệu, máy móc và năng lượng) được sử dụng trong sản xuất.

Năng suất = Đầu ra/ Đầu vào.

  1. Chất lượng là gì?

Sự thành công của một tổ chức hoặc doanh nghiệp phần lớn phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm hay dịch vụ mà tổ chức, doanh nghiệp đó cung cấp cho khách hàng. Chất lượng chính là mức độ sản phẩm hoặc dịch vụ làm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.

Vì vậy, chất lượng đóng vai trò quyết định sự tồn tại của tổ chức hoặc doanh nghiệp và việc đảm bảo chất lượng đã trở thành mục tiêu phấn đấu liên tục của họ nhằm nâng cao lợi nhuận và thu hồi vốn đầu tư.

Để thực hiện tốt được việc đảm bảo chất lượng cần có những chuyên gia được đào tạo để có tri thức, kỹ năng về kiểm tra và nâng cao chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ.

Theo tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa, trong tiêu chuẩn ISO 8402: 2000: “Chất lượng là toàn bộ các đặc tính của một thực thể, tạo cho thực thể đó khả năng thỏa mãn các nhu cầu đã được công bố hay còn tiềm ẩn”.

Theo J. M. Juran, một chuyên gia về chất lượng nổi tiếng của Mỹ: “Chất lượng bao gồm những đặc điểm của sản phẩm phù hợp với các nhu cầu của khách hàng và tạo ra sự thỏa mãn đối với khách hàng”.

Trên đây là một số khái niệm cơ bản về năng suất và chất lượng, giúp các bạn sinh viên có thêm những kiến thức cơ bản liên quan đến năng suất và chất lượng.

  1. Cuộc thi tìm hiểu về năng suất chất lượng trong khối sinh viên tại trường đại học

Nhằm tạo ra sân chơi bổ ích, có thể giúp sinh viên trường đại học tiếp cận về Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 đồng thời tìm hiểu kiến thức về năng suất, chất lượng, các hệ thống quản lý, công cụ nâng cao năng suất và chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi tìm hiểu về năng suất chất lượng trong khối sinh viên tại trường đại học dưới hình thức trực tuyến vào ngày 09/12/2023, kính mời các trường hưởng ứng, tích cực và vận động sinh viên tham gia cuộc thi. Thí sinh có thể đăng ký tham gia cuộc thi theo đường link: https://s.net.vn/MYIQ